Thứ Tư, 30 tháng 1, 2013

Bài Phóng Sự Về Ngày Hội Công Nghệ Thông Tin



NGÀY HỘI ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN
  Cuộc sống ngày càng phát triển, con người ngày càng có nhiều nhu cầu hơn trong đời sống hằng ngày. Cuộc cách mạng khoa học kĩ thuật được coi là cột mốc lịch sử to lớn cho phép con người thực hiện những bước nhảy vọt chưa từng thấy. Làm cho thế giới ngày càng văn minh tiến bộ hơn. Và để phục vụ cho sự phát triển đó công nghệ thông tin đã ra đời và ngày càng nhiều có ứng dụng giúp cho đời sống con người văn minh hiện đại hơn.
  Hôm nay , trường em đã tổ chức ngày hội công nghệ thông tin và được hưởng ứng mạnh mẽ bởi các bạn trẻ không chỉ ở trong phạm vi nhà trường mà còn có những bạn từ những trường khác đến thăm quan và mua cho mình những vật dụng công nghệ tốt. Trong ngày hôm nay đã có nhiều sản phẩm công nghệ được trưng bày rất đẹp mắt và cũng được các bạn hưởng ứng rất nhiều. Các bạn đã có dịp tìm hiểu công nghệ thông tin trên các thiết bị hiện đại.
Và theo em, em thích nhất và nội dung trưng bày sản phẩm để các bạn có thể tìm hiểu ngay trên máy tính tại trường với những thiết bị hiện đại nhất.
  Ngày hội công nghệ thông tin do trường tổ chức rất có ích cho em nói riêng và cho các bạn cùng trang lứa nói chung. Nó đã giúp cho em hiểu thêm em về công nghệ thông tin. Riêng em là một trong những học sinh giỏi tin của tỉnh vì vậy em rất thích và rất ủng hộ trường trong việc tổ chức ngày họi công nhgệ thông tin này và em rất mong một ngày nào đó công nghệ thông tin sẽ phổ biến khắp mọi nơi và càng nhiều bạn nhỏ được học tin để nước Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung đứng trên đỉnh cao nhất của công nghệ thông tin.

Chủ Nhật, 27 tháng 1, 2013






NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 3-2-1930
Cuối thế kỷ XIX, sau khi bình định xong Việt Nam, thực dân Pháp bắt tay thực thi các chính sách thực dân hà khắc, biến nước ta từ một nước phong kiến độc lập trở thành một nước thuộc địa nửa phong kiến. 

Sự thống trị tàn bạo của thực dân Pháp đã làm cho mâu thuẫn dân tộc diễn ra hết sức gay gắt, hàng loạt phong trào yêu nước theo các khuynh hướng khác nhau liên tiếp nổ ra nhằm giải quyết mâu thuẫn chủ yếu đó. Tiêu biểu là phong trào Cần Vương do vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết khởi xướng; phong trào Đông Du của Phan Bội Châu; phong trào cải cách của Phan Chu Trinh, khởi nghĩa Yên Thế do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo...Các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc tuy diễn ra quyết liệt, song cuối cùng đều bị thất bại, vì thiếu một đường lối cứu nước đúng đắn, thiếu một tổ chức lãnh đạo có khả năng tập hợp sức mạnh của toàn dân tộc. 


Trong bối cảnh đó, tháng 6-1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã rời Tổ quốc ra đi tìm con đường cứu nước giải phóng dân tộc. Năm 1920 Nguyễn Tất Thành- Nguyễn Ái Quốc đã đến với chủ nghĩa Mác- Lê nin; đây không chỉ là bước ngoặt đối với cuộc đời hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc, mà còn là bước ngoặt của cách mạng Việt Nam. Lý luận của chủ nghĩa Mác-Lê nin đã soi rọi cho Nguyễn Ái Quốc: Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc thì trước hết phải có “Đảng cách mệnh” để “trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi”. Từ nhận thức đó Nguyễn Ái Quốc ra sức chuẩn bị mọi mặt cho việc thành lập một chính đảng vô sản ở Việt Nam, Người từng bước truyền bá có hệ thống chủ nghĩa Mác-Lê nin vào trong nước, đưa phong trào công nhân chuyển dần từ trình độ tự phát lên tự giác; đưa phong trào yêu nước chuyển dần sang lập trường cộng sản. 


Tháng 3-1929, Chi bộ Cộng sản đầu tiên được thành lập ở số nhà 5D, Hàm Long, Hà Nội, gồm có Trần Văn Cung, Trịnh Đình Cửu, Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Đỗ Ngọc Du, Nguyễn Phong Sắc, Nguyễn Văn Tuân và Dương Hạc Đính. 

Ngày 1-5-1929, tại Đại hội toàn quốc của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Hương Cảng, đoàn đại biểu Bắc Kỳ đưa ra đề nghị thành lập Đảng Cộng sản. Đề nghị dó không được chấp nhận, trở về nước, ngày 17-6-1929, những đảng viên trong Chi bộ Cộng sản 5D Hàm Long đã tuyên bố thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng. Ngày 25-7-1929 An Nam Cộng sản Đảng được thành lập ở Nam Kỳ. Tháng 9-1929 Đông Dương Cộng sản Liên đoàn được thành lập ở Trung Kỳ. 


Chỉ trong một thời gian ngắn ở Việt Nam đã có ba tổ chức cộng sản được tuyên bố thành lập. Điều đó phản ánh xu thế tất yếu của phong trào đấu tranh cách mạng ở Việt Nam. Song sự tồn tại của ba tổ chức cộng sản hoạt động biệt lập trong một quốc gia có nguy cơ dẫn đến chia rẽ lớn. Yêu cầu bức thiết của cách mạng là cần có một Đảng thống nhất lãnh đạo. Nguyễn Ái Quốc, người chiến sĩ cách mạng lỗi lạc của dân tộc Việt Nam, người duy nhất có đủ năng lực và uy tín đáp ứng yêu cầu đó của lịch sử: thống nhất các tổ chức cộng sản thành Đảng Cộng sản duy nhất ở Việt Nam. 


Từ ngày 3 đến 7-2-1930, Hội nghị hợp nhất ba tổ chức Cộng sản họp tại Cửu Long (Hương Cảng, Trung Quốc) dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Tham gia Hội nghị có các đồng chí Trịnh Đình Cửu, Nguyễn Đức Cảnh (đại biểu DDCSD); Nguyễn Thiệu, Châu Văn Liêm (đại biểu (ANCSĐ). Đại biểu ĐDCSLĐ không đến kịp. Hội nghị nhất trí thành lập đảng thống nhất, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam, thông qua Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt và Điều lệ vắn tắt của Đảng. Ngày 3 tháng 2 năm 1930 trở thành Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. 


Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản Việt Nam mang tầm vóc lịch sử như là Đại hội thành lập Đảng. Đảng được thành lập là kết quả của cuộc đấu tranh giai cấp và đấu tranh dân tộc ở nước ta trong những năm đầu thế kỷ XX; là sản phẩm cuả sự kết hợp chủ nghĩa Mác-Lê nin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước; là kết quả của quá trình lựa chọn, sàng lọc nghiêm khắc của lịch sử và là kết quả của quá trình chuẩn bị đầy đủ về chính trị, tư tưởng và tổ chức của một tập thể chiến sĩ cách mạng, đứng đầu là đồng chí Nguyễn Ái Quốc. 

Đó là một mốc lớn đánh dấu bước ngoặt trọng đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam, chấm dứt cuộc khủng hoảng về đường lối cứu nước kéo dài mấy chục năm. Trong Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt do đồng chí Nguyễn Ái Quốc khởi thảo, được Hội nghị thành lập Đảng thông qua đã xác định cách mạng Việt Nam phải tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc tiến lên chủ nghĩa xã hội. Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là con đường cách mạng duy nhất đúng để thực hiện mục tiêu giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam với Cương lĩnh, đường lối cách mạng đúng đắn chứng tỏ giai cấp công nhân Việt Nam đã trưởng thành, đủ sức lãnh đạo cách mạng. 


Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam gắn liền với tên tuổi của Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh, người sáng lập và rèn luyện Đảng ta./. 


                          

              






PHÒNG  G D& ĐT TP TAM KỲ

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

TRƯỜNG THCS LÝ TỰ TRỌNG

   Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Số :    /KH-LTT
Tam Kỳ, ngày 11  tháng 01 năm 2013


KẾ HOẠCH TỔ CHỨC
NGÀY HỘI Ư.D CÔNG NGHỆ THÔNG TIN

I. Mục đích yêu cầu:
- Báo cáo kết quả đầu tư ƯD CNTT của đơn vị THCS Lý Tự Trọng trong thực hiện kế hoạch nhiệm vụ năm học trong quản lí trường, Tổ chuyên môn, việc học tập của học sinh và vai trò hướng dẫn của Cha mẹ học sinh.
- Đánh giá việc thực hiện kế hoạch Ư.D CNTT của nhà trường, tổ chuyên môn, các bộ phận, CBGVCNV và học sinh trong thời gian qua.
- Giới thiệu các sản phẩm, giải pháp CNTT, Đồ dùng dạy học, bài soạn.. tiêu biểu đã ứng dụng thành công trong quản lý và dạy - học đồng thời qua đó tạo môi trường và cơ hội giao lưu, chia sẻ, học tập kinh nghiệm, tiếp cận công nghệ mới về ứng dụng CNTT cho nhà trường, góp phần tuyên truyền, quảng bá rộng rãi nội dung và các hoạt động đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong ngành GD&ĐT.
- Tạo điều kiện cho các công ty, đơn vị giới thiệu thiết bị phục vụ dạy học và tiện ích cho CBGV học sinh...
II. Công tác tổ chức:
a. Thời gian: 1 ngày rưỡi, từ 7g 31/1/2013.
b. Địa điểm : Hội trường, dãy hành chính, thư viện, sân trường... THCS Lý Tự Trọng
c. Ban tổ chức:
- Hiệu trưởng :  NGUYỄN TẤN SĨ Trưởng ban
- Phó Hiệu trưởng CM:  VÕ TẤN ĐÔNG Phó ban PT nội dung,
- PHT HĐNG:  NGUYỄN TẤN BỀN Phụ trách CSVC, hậu cần.
- Nhóm trưởng nhóm Tin:  NGUYỄN VĂN HẢI Phó ban thường trực phụ trách kỹ thuật
d. Đơn vị:
-  7 gian hàng cấp tổ:   Tổ trưởng phụ trách
- 2 gian hàng học sinh, CMHS: BCH Liên đội, Ban đại diện CMHS
- Các gian hàng công ty, đơn vị: nhà trường hỗ trợ không gian, đơn vị tự thực hiện.
- Căn tin: BCH chi đoàn.
III. CHƯƠNG TRÌNH: 7g 31/1/2013

Thời gian
Nội dung
Phụ trách
PHẦN I:Khai mạc
7g đến 8g
-Văn nghệ4 tiết mục GV, HS
8g-10g
-Báo cáo trườngHiệu trưởng, 20p
-Báo cáo tổ1 Tổ trưởng, 10p
-Báo cáo học sinh1 học sinh, 10p
-1 tiết dạy1 GV, 60p
PHẦN II:
Thi Ứng dụng
8g-15g
-Thăm gian hàng.Tổ, HS, CMHS, Cty
10g -   10g45
-Thi Soạn Giáo ánMỗi bộ môn 1 GV
10g -10g45
-Thi vẽ K67Mỗi lớp 1 học sinh
Chụp hình 7g30 -
10g-10g45
-Thi Pviên,  K89Mỗi lớp 1 học sinh
Từ 10g45 -13g30
Thăm gian hàng và nghỉ trưa
Ẩm thực: tại Căn tin chợ Quê
Chi đoàn
13g30-14g30Thi Gv: giới thiệu 1 nội dung Mỗi tổ 1-2 GV
13g30-14g30Thi Hs: soạn 1 nội dungMỗi lớp 1 học sinh
Phần IIIHội thảo-Tổng kết
14g30-16gHội thảo về công tác Ư.D CNTTPhòng GD&ĐT
16g-Tổng kết, khen thưởng.BTC
Tiếp tục trưng bày đến 12g 1/2/2013


IV. Gian hàng của nhà trường: 8 đơn vị tại hội trường, theo thiết kế.
V. Gian hàng các đơn vị, công ty có nhu cầu:
1. Vị trí: Tại các phòng làm việc của nhà trường liền kề hội trường và không gian hành lang diện tích sử dụng: Phòng 4mx6m; phòng 8mx6m và hành lang (Tùy theo thứ tự hoặc yêu cầu đơn vị đăng kí), gồm phòng Hiệu trưởng, p. phó hiệu trưởng, phòng HĐ Sư phạm, phòng Thư viện... hoặc không gian ngoài trời do đơn vị tự thiết kế.
2. Nội dung: Các sản phẩm của công ty, đơn vị phục vụ trường học, người tiêu dùng là CBGV, học sinh, cha mẹ học sinh. Đặc biệt là sản phẩm điện tử, CNTT... Những nội dung nầy mang tính chất giới thiệu sản phẩm, chào hàng, mời hợp đồng, bán sản phẩm tại chổ....
3. Hình thức: các pano giới thiệu, quảng cáo... của công ty, đơn vị đặt trong phòng và hành lang... ngoài ra có thể sử dụng dù che, nhà vòm của đơn vị nếu có nhu cầu.
4. Thời gian đăng kí: Từ nay cho đến ngày 27 tháng 1/2013.Vị trí gian hàng sẽ tùy thuộc vào thời gian đăng kí.
VI. Đại biểu và khách mời:
- Lãnh đạo ngành giáo dục Quảng Nam và các sở Ban ngành .
- Lãnh đạo Thành phố và các ban ngành có liên quan.
- Lãnh đạo Phòng GD&ĐT TP các chuyên viên, lãnh đạo các trường THCS, TH, Mầm Non và thầy cô giáo bộ môn Tin học.
- CBGVCNV nhà trường, học sinh nhà trường, 1200 CMHS nhà trường.

                                                      HIỆU TRƯỞNG
 Nguyễn Tấn Sĩ
                         

CÔNG NGHỆ THÔNG TIN LÀ GÌ?
Công nghệ Thông tin, viết tắt CNTT, (tiếng Anh: Information Technology hay là IT) là một nhánh ngành kỹ thuật sử dụng máy tính và phần mềm máy tính để chuyển đổi, lưu trữ, bảo vệ, xử lý, truyền tải và thu thập thông tin.
Ở Việt Nam, khái niệm Công nghệ Thông tin được hiểu và định nghĩa trong nghị quyết Chính phủ 49/CP kí ngày 04/08/1993: "Công nghệ thông tin là tập hợp các phương pháp khoa học, các phương tiện và công cụ kĩ thuật hiện đại - chủ yếu là kĩ thuật máy tính và viễn thông - nhằm tổ chức khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên thông tin rất phong phú và tiềm năng trong mọi lĩnh vực hoạt động của con người và xã hội".
Thuật ngữ "Công nghệ Thông tin" xuất hiện lần đầu vào năm 1958 trong bài viết xuất bản tại tạp chí Harvard Business Review. Hai tác giả của bài viết, Leavitt và Whisler đã bình luận: "Công nghệ mới chưa thiết lập một tên riêng. Chúng ta sẽ gọi là công nghệ thông tin (Information Technology - IT)." 
Các lĩnh vực chính của công nghệ thông tin bao gồm quá trình tiếp thu, xử lý, lưu trữ và phổ biến hóa âm thanh, phim ảnh, văn bản và thông tin số bởi các vi điện tử dựa trên sự kết hợp giữa máy tính và truyền thông.Một vài lĩnh vực hiện đại và nổi bật của công nghệ thông tin như: các tiêu chuẩn Web thế hệ tiếp theo, sinh tin, điện toán đám mây, hệ thống thông tin toàn cầu, tri thức quy mô lớn và nhiều lĩnh vực khác. Các nghiên cứu phát triển chủ yếu trong ngành khoa học máy tính.


Người Quảng đi ăn mỳ Quảng



Người Quảng đi ăn mỳ Quảng


Ở Thành phố Hồ Chí Minh, nếu bạn nhìn thấy một người khách bước vào quán mỳ Quảng, kêu một tô mỳ, ăn xong gật gù khen ngon, trả tiền rồi đi ra, lòng không hề vướng bận một điều chi, thì bạn có thể đàng hoàng kết luận : khách không phải là người Quảng Nam.  
Người Quảng Nam đi ăn mỳ Quảng không có được một thái độ hồn nhiên như thế. Họ thường trực bận tâm : “Chả biết mỳ Quảng này có đúng là… mỳ Quảng không?”.



Vài lá mỳ, ít rau sống, ít tôm thịt, miếng bánh tráng, rang thêm lên mấy hột đậu phộng
là có ngay một tô mỳ Quảng - Ảnh: tô mỳ quảng quán bà Dậu - TP.Tam Kỳ

Trước khi kêu một tô mỳ Quảng, họ hỏi chủ quán : “Đúng không?”. Sau khi ăn một tô mỳ Quảng, họ bảo chủ quán : “Không đúng!”. Họ là người Quảng.
Ăn phở, ăn hủ tiếu, ăn bún bò, hoặc ăn bất cứ thứ nào khác, người Quảng ăn trong thinh lặng. Còn khi bắt gặp một thực khách Quảng vừa ăn vừa oang oang nhận xét, đánh giá, bình phẩm, thậm chí cằn nhằn, càu nhàu cái món mà họ đang ăn, bạn có thể quả quyết ngay là họ đang ăn mỳ Quảng. Khách A bảo : “Sợi mỳ không đúng”. Khách B bảo : “Rau sống sai rồi”. Khách C khẳng định : “Nhưn trật lất”. Cũng có khách khen “ngon”, nhưng quay sang con gái ngồi cạnh, thòng thêm một câu : "Nhưn bà nội mày nấu ngon hơn… "
Có phải đó là đặc tính của "Quảng Nam hay cãi?". Không rõ lắm. Nhưng điều này thì rõ : mỳ Quảng là một món ăn đặc trưng và phổ biến bậc nhất ở Quảng Nam. Xét về tính đại chúng (trong phạm vi cộng đồng của nó), có lẽ mỳ Quảng đứng hàng đầu trên… thế giới. Không một khu phố, làng mạc, chợ búa, ngóc ngách nào ở Quảng Nam là không bán mỳ Quảng. Nhưng điều này mới đáng ghi vào Sách Guinness : có thể có người Bắc suốt đời chưa từng nấu phở, có thể có người Nam từ bé tới giờ chưa từng nấu hủ tiếu, nhưng chắc chắn chưa có người Quảng nào chưa từng nấu mỳ Quảng tại gia.
Có gì đâu! Ra ngoài chợ mua vài lá mỳ, ít rau sống, ít tôm thịt, miếng bánh tráng, rang thêm lên mấy hột đậu phộng là có ngay một tô mỳ Quảng nóng hổi và thơm phức cho cả nhà xì xụp. Mỳ Quảng là món ăn bình dân nhất, dễ nấu bậc nhất.
Mỳ Quảng dễ nấu ở chỗ nó còn là món ăn thích nghi với mọi hoàn cảnh. Tất nhiên, có một số “chi tiết” căn bản phải tuân thủ : lá mỳ phải chao dầu phộng, rau sống phải có búp chuối, tô mỳ có rắc đậu phụng, phải có bánh tráng bẻ rôm rốp, có quả ớt cắn lụp bụp, không có những thứ này sẽ “bất thành mỳ Quảng”. Riêng “nhưn” mỳ Quảng thì đa dạng và “biến ảo” vô cùng. Thông thường thì “nhưn” tôm thịt heo, nhưng lúc tìm không ra thịt heo, thì người miền biển bắt cua, bắt cá, người miền núi bắt gà và bắt vịt làm “nhưn” ăn vẫn thấy ngon, vẫn ra hương vị mỳ Quảng. Mỳ Quảng là một món ăn của người bình dân, vì vậy không khép mình vào những đòi hỏi khắt khe như những món ăn dành cho giới thượng lưu. Và chính nhờ vậy, mỳ Quảng có một sức sống mạnh mẽ, nó tồn tại và phổ biến ở mọi thủy thổ.
Ngay tại Quảng Nam vẫn tồn tại những quán mỳ Quảng nổi tiếng với các loại “nhưn” khác nhau : mỳ gà, mỳ vịt, mỳ tôm thịt heo, mỳ cua… Thị trấn Hà Lam bé xíu, nơi kẻ viết bài này trải qua suốt thời thơ ấu, mà đã có mỳ gà Ba Tự và mỳ tôm Bà Rì nổi tiếng song song, thuở nhỏ xách càmèn đi mua về cho cha mẹ, dọc đường cứ phải nuốt nước miếng.
Tất cả những lời con cà con kê nãy giờ chỉ nhằm giải thích cái cốt cách “hay cãi” của người Quảng Nam khi đi ăn mỳ Quảng. Thì ra, có gì đâu : người Quảng Nam từ thuở bé đến lúc rời khỏi quê đi lập nghiệp phương xa, đa số thường sinh sống, hít thở và lớn lên trong cái kiểu mỳ Quảng mà mình biết, mà mình quen thuộc gần gũi. Người thuở nhỏ thường ăn mỳ tôm nhất quyết mỳ Quảng “nhưn” gà là “lai căn vô số tội”, “phải nấu như quán bà cả Ngô ở đầu làng tôi mới đúng”. Người lớn lên trong mỳ gà lại khăng khăng mỳ Quảng nấu tôm là sai bét bè be, “không tin về hỏi bà nội tôi coi”. Cứ thế mà đỏ mặt tía tai! Giả dụ bây giờ mở cuộc thi nấu mỳ Quảng thế nào cho đúng, chắc chắn thí sinh sẽ ẩu đả với thí sinh, giám khảo sẽ ẩu đả với giám khảo ba ngày ba đêm chứ chẳng chơi! Mà tô mỳ Quảng đúng nhãn hiệu sẽ không bao giờ được xác định trên cõi đời này. Bởi mỳ Quảng là món ăn chỉ đúng với ký ức và trải nghiệm của từng người!
Nhưng “đúng” hay “không đúng” phỏng có gì mà phải buồn bực đến thế? Tới một quán ăn, ngon thì quay lại, dở thì đi luôn, đơn giản quá mà! Việc gì phải càu nhàu, tức tối, buồn khổ cho mệt người rối trí? Hỏi như vậy là chưa hiểu sự gắn bó giữa người Quảng và món mỳ Quảng. Người Quảng xa xứ, đi ăn mỳ Quảng không giống như khi đi ăn những thứ khác như lẩu dê hay bò bảy món. Họ không chỉ ăn bằng miệng, bằng vị giác hay khứu giác, không phải đơn thuần chỉ để thưởng thức cái ngon. Người Quảng đi ăn mỳ Quảng là đi ăn bằng tâm trạng. Họ bước vào quán bán mỳ Quảng với bước chân hồi hộp, thắc thỏm, với tất cả nỗi háo hức phập phồng như đến điểm hẹn với người quen cũ.
Gặp tô mỳ Quảng giữa Sài Gòn, với người Quảng, đó là nỗi mừng rỡ “tha hương ngộ cố tri”. Bẻ một miếng bánh tráng hay cắn một trái ớt là biết bao nhiêu kỷ niệm ấu thơ ùa vào trong tâm trí. Người Quảng ăn mỳ Quảng bằng tất cả tấm lòng, bằng kỷ niệm. Vì vậy, khi thấy “người quen cũ” mà họ náo nức muốn hội ngộ lại không giống với “người quen cũ” họ từng gặp nơi quán bà cả Ngô mấy mươi năm trước, họ càu nhàu thất vọng là chuyện dễ hiểu. Gặp “người quen cũ” hay “người tình cũ”, thấy cố nhân mặt mũi, cách ăn bận không giống thời đi học, thấy “tình đã khác xưa”, làm sao bắt họ không nhận xét, đánh giá, bình phẩm, làu bàu bực bội.
Nhưng người Quảng đi ăn mỳ Quảng không chỉ làu bàu bực bội. Giận thì giận mà thương thì thương. Sau khi tuôn một tràng bình phẩm, cuối cùng bao giờ cũng là góp ý nhiệt tình : “nhưn” phải thế này, rau phải thế này, bánh tráng phải thế này… Điều đó thật ra là gì? Chẳng qua họ nóng lòng muốn món mỳ Quảng quê hương phải ngon hơn, phải “đúng” hơn, phải danh giá hơn để họ có cái mà giới thiệu, mà kể lể, mà tự hào với bạn bè xứ người với đám con cháu sinh ra và lớn lên nơi đất ngụ cư. Khi rời khỏi vùng đất sinh ra nó, mỳ Quảng không còn thuần túy là món ăn nữa, mà trở thành một trong những biểu tượng văn hóa của một vùng đất lắm kẻ tha hương. Về điều này có thể mạo muội mượn hai câu thơ của thi sỹ Chế Lan Viên để cải biên cho hợp :
Khi ta ở chỉ là nơi “mỳ” ở
Khi ta đi “mỳ” đã hóa tâm hồn.
Tất nhiên, nghe khách góp ý, chủ quán nếu là người Quảng Nam chính gốc sẽ gân cổ cãi lại cho kỳ được để vừa bảo vệ cho món “mỳ Quảng của làng mình”, vừa bảo vệ cho câu tục ngữ “Quảng Nam hay cãi”. Nếu không phải là người Quảng, chủ quán sẽ cười cười : “Vâng, tôi sẽ tiếp thu và sẽ cố sửa chữa… ”. Dĩ nhiên sau đó, chẳng có chủ quán nào mất công sửa chữa, vì nếu sửa theo ý khách A, chắc chắn thực khách B sẽ nổi trận lôi đình…
Thôi thì cứ để vậy, cái chính là để đỡ nhớ quê hương. Không biết làm sao cho “đúng”, chỉ cố làm cho “ngon”. Vì vậy, mãi mãi về sau, ai có gan mở quán bán mỳ Quảng, đành phải mỉm cười chấp nhận công thức : Một tô mỳ Quảng đúng nghĩa gồm lá mỳ, nhưn, rau sống, bánh tráng, đậu phụng… và món gia vị “Đúng không?”. Bán mỳ Quảng mà không bị khách trố mắt nghi ngờ “Đúng không?” thì dứt khoát là không đúng.
NGUYỄN NHẬT ÁNH

Tam Kỳ


Clip: Tam Kỳ cuối năm



Quê hương vẫn ở đó, luôn nằm yên ở đó chờ đợi những ngọn gió tha hương nối nhau trở về nhà, sau một năm rong ruổi giữa cuộc đời bộn bề... Phố huyện. Nhỏ, gầy và thấy thương thương.




Trường danh dự


Bộ trưởng Tổ chức Giáo dục Đông Nam Á khen ngợi trường THCS Lý Tự Trọng (TP.Tam Kỳ)

(QNO) - Trường THCS Lý Tự Trọng (TP.Tam Kỳ) vừa được  Bộ trưởng Tổ chức Giáo dục Đông Nam  Á và Bộ Giáo dục, Thể thao văn hóa, khoa học và Công nghệ Nhật Bản cấp giấy chứng nhận và khen ngợi về thành tích giảm thiểu rủi ro thiên tai  cho học sinh  năm 2012 của Tổ chức giải thưởng phát triển”Giáo dục bền vững SEAMEO - Japan” (ESD).
Giấy chứng nhận của Bộ trưởng Giáo dục ASEAN.
Giấy chứng nhận của Bộ trưởng Giáo dục ASEAN.

Giải thưởng “Giáo dục phát triển bền vững SEAMEO - Japan” do Tổ chức Bộ trưởng Giáo dục các nước Đông Nam Á, Bộ Giáo dục Văn hóa Thể thao Khoa học và Kỹ thuật Nhật Bản (MEXT), UNESCO, Văn phòng Giáo dục Châu Á Thái Bình Dương và Ngân hàng Tokyo - Mitsubishi UFJ phối hợp tổ chức.
Giải thưởng được tổ chức hằng năm dành cho các trường trong khu vực Đông Nam Á nhằm mục đích chia sẻ các hoạt động giáo dục thực tiễn, nâng cao ý thức góp phần giảm thiểu các thiên tai như lũ lụt, động đất, lốc xoáy, đuối nước …
Một tiết dạy bơi của nhà trường.
Một tiết dạy bơi của nhà trường.
Trường THCS Lý Tự Trọng nhiều năm qua đã tổ chức tốt việc giáo dục, tuyên truyền, tập huấn trong học sinh về các vấn đề thiên tai, tai nạn thường gặp trong học sinh, đặc biệt nhà trường đã tổ chức dạy bơi cho
học sinh bắt đầu từ lớp 6. Trong vòng 2 năm đến cơ hội biết bơi cho 100% học sinh toàn trường là vấn đề khả thi, phù hợp với tình hình thực tiễn của vùng đất thường xuyên bị lũ lụt.
                                                                          Kim Ngân (st)

Tản văn: Bằng lăng và bé

                                                               BẰNG LĂNG VÀ BÉ
Bé đã bao lần đi qua trên những con đường dài, mà bằng lăng tím rịm màu thương nhớ. Ai đó đã nói rằng: “Tam Kỳ là một thành phố không quy hoạch, cứ chỗ thì trồng bằng lăng, chỗ trồng hoa sữa, chỗ lại có mấy cây cau…” và ti tỉ những thứ tương tự như thế nữa. Nhưng không, bé sẽ chẳng bao giờ “trách” Tam Kỳ, khi quê hương bé đã gửi trọn đất trời trong ngàn hoa, ngàn lá.
Bằng lăng nở vào mùa nào nhỉ? Bé chẳng nhớ nữa, bởi khi nhớ về một ký ức nào đó sâu đến tận đáy tim mình, bạn sẽ chẳng có một mảy may ý thức về thời gian. Và bé cũng vậy, bé chỉ biết rằng có một mùa bằng lăng trải dài trên con đường đi học, trong những niềm mơ tưởng chừng như chưa bao giờ dứt của tuổi ô mai.
Bằng lăng không như lục bình trôi lững lờ bên sân trường, cũng không có cái màu tím quê như màu tím của hoa cà rất đỗi giản dị… mà tím rịm, tím thẫm, cứ như là tạo hóa đã lấy tất cả màu tím để mà pha mực cho hoa bằng lăng. Bé gọi màu hoa là màu tím nhớ.
Bằng lăng xui bé nhớ về những con phố dài, nơi mà ở quê mình vẫn quen gọi tên chúng bằng những con đường. Còn bé, con đường và bằng lăng là dãy phố im lìm mà tuổi áo dài bé đã trải qua. Bé chẳng xôn xao bởi một ngõ vắng, nhưng nao nao khi đi qua những con phố đến trường còn vương hương buổi sớm. Để bé tha thiết mong cái ngày đi qua dãy phố nơi bằng lăng chờ đợi, bé cứ giật giật tay ai kia, bắt phải hái cho bé một chùm bằng lăng, giắt vào giỏ xe, để tà áo dài trắng, nhuộm với màu trời xanh, và bằng lăng tím nhuộm thành màu ký ức tươi đẹp.
Bé sẽ không như ông nhà thơ nào đó cứ thấy người ta chở hoa phượng là lại hỏi: “Em chở mùa hè của tôi đi đâu?”, cứ làm như là hoa phượng sở hữu của riêng ông vậy. Còn quê hương ơi, bé xin quê hương chút bằng lăng cho màu tím nhớ ấy hắt vào lòng bé thôi mà, cười duyên với bé nhé…
Bằng lăng nở hoa từng chùm, từng chùm, nhờ thế mà hoa tím mới nổi lên được trong miền xanh thẫm của lá. Nhờ thế mà bé mới khắc khoải trong những mùa bằng lăng thân thương. Bé không yêu phượng, vì màu đó của phượng làm trái tim nhỏ của bé cứ xốn xang và cháy bỏng. Bé thích cái vẻ tím ấm áp của những chùm bằng lăng thích đùa cùng chị nắng và anh gió. Ai đó đã nói với bé rằng, màu tím là màu của sự chung thủy. 
Bằng lăng và Tam Kỳ, tất cả như để nói với bé rằng cái mảnh đất này vẫn chờ mong sự chung thủy nơi bé. Bé sẽ về trong một ngày chẳng xa, khi bé làm cô giáo, mà tà áo dài bé sẽ nhuộm bằng màu bằng lăng cùng với màu trắng trinh bạch của ký ức. Và bé sẽ dạy cho học trò biết yêu bằng lăng, biết thủy chung với mảnh đất quê hương! Một ngày, bé sẽ tìm về bên bằng lăng xưa…
                                                                                                     KIM NGÂN (SƯU TẦM)

Thơ: Nghe tiếng gọi

             

       NGHE TIẾNG GỌI

Học trò cõng chữ trên lưng
Mẹ ru con ngủ lưng chừng cung mây

Con đường mới đó, giờ đây
Những con ngựa đã bứt dây về trời

B, c mưa rụng tơi bời
Còn a, á, â nón cời tả tơi

Thầy đi chăn thả cuộc đời
Đồng xanh lắm sói rong chơi bốn mùa

Đầy trời phượng vĩ cuộc đua
Trái tim rỉ máu mà mùa không tan

Lời ru chẳng tính..Tình.. tang...
Dư âm tích.. tịch.. muộn màng theo sau

Còn ai gõ trẻ trên đầu
Cái tâm ở đấy cái tầm ở đâu

Xưa ru con chuyện cơ cầu
À ơi thành cuộc bể dâu mất rồi

Mái trường vẫn đó đơn côi
Giọng ai trong trái tim tôi, gọi thầy...
                                                   
Thầy Nguyễn Tấn Sĩ

Lich sử Việt Nam

Việt Nam, hình hài một chữ S


Dương Tố Đào (sinh viên Đại học Công nghệ Sài Gòn) – tác giả clip lịch sử đang gây sốt cư dân mạng “Việt Nam hình hài một chữ S” đã chia sẻ thẳng thắn về quá trình làm nên clip đặc biệt này.
Sản phẩm “Việt Nam hình hài một chữ S” là đề tài tốt nghiệp của Dương Tố Đào. Trước khi nhen nhóm lên ý tưởng làm clip này, cô bạn dự định chọn một đề tài về ẩm thực, với việc giới thiệu các món ăn Việt Nam. Nhưng sự gợi ý của các thầy cô giáo về đề tài lịch sử Việt Nam kết hợp phong cách đồ họa infographic đã khiến cô bạn thật sự thích thú. Tuy nhiên, những khó khăn cũng khiến Tố Đào không khỏi nản lòng, cô bạn tâm sự: "Thật sự thì với bộ môn Lịch sử mình chỉ nhớ các cột mốc quan trọng, hơn nữa lĩnh vực này lại quá rộng, quá nhiều vấn đề để nói. Làm thế nào để chuyển tải những ý tưởng hay nhất trong một clip thật sự quá khó. Lúc đó mình đã rất nản lòng, và định bỏ cuộc”.
Tác giả ‘Việt Nam hình hài một chữ S’ thừa nhận học kém Lịch sửTác giả ‘Việt Nam hình hài một chữ S’ thừa nhận học kém Lịch sử
Những hình ảnh đẹp trong clip
Trong quá trình tìm kiếm tài liệu, Tố Đào có phát hiện điểm đặc biệt đó là lịch sử lãnh thổ Việt Nam. Khi theo dõi quá trình thay đổi của lãnh thổ từ thời sơ khai đến khi kết thúc, người ta sẽ nắm được kiến thức cơ bản thông qua "sợi dây xuyên suốt" là cương vực lãnh thổ. Nắm bắt được ý tưởng mới mẻ, thú vị, Tố Đào đi sâu nghiên cứu.
Không có giáo viên hay chuyên gia về lĩnh vực lịch sử này hướng dẫn, cô sinh viên năm cuối ngành đồ họa đã mua tất cả các sách lịch sử từ lớp 4 đến lớp 12, Việt Nam sử lược, lịch sử Việt Nam bằng tranh, tham khảo trên wikipedia, youtube... để tìm hiểu thêm các kiến thức.
Suốt 3 tháng chăm chỉ làm việc, nghiên cứu, cô bạn đã hoàn thành đồ án tốt nghiệp của mình, và thật bất ngờ, clip này không chỉ được các thầy cô giáo đánh giá cao, mà cộng đồng cư dân mạng trong cả nước cũng vô cùng thích thú. Hình ảnh đẹp, thông tin quý giá xuyên suốt giúp mọi người hiểu thêm về lãnh thổ Việt Nam thật sự thu hút được nhiều độc giả.
Tác giả ‘Việt Nam hình hài một chữ S’ thừa nhận học kém Lịch sử
Tố Đào dự định sẽ làm thêm clip nói về người Việt (Ảnh: VnExpress)
Tố Đào tâm sự: “Mình thật sự bất ngờ khi nhận được nhiều lời động viên, khen tặng và sự ủng hộ của mọi người. Vốn dĩ, trước đó, một số người đã xem clip của mình và cũng không mấy hứng thú. Lúc đó quả thực mình rất buồn. Đào hy vọng sau clip của mình, hy vọng sẽ có thêm nhiều bạn làm clip về lịch sử Việt Nam để môn học này thu hút học sinh hơn, dễ cảm thụ hơn và khiến ai cũng cảm thấy thích thú”.
Trong thời gian tới, cô bạn cũng ấp ủ làm thêm clip người Việt xấu xí cùng nhóm bạn của mình.